Nhiều bạn trẻ muốn học nghề nhưng bị cha mẹ ép vào đại học

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, cho hay phụ huynh ép con vào đại học là đi ngược xu thế phát triển học sinh theo năng lực cá nhân.

Thanh Hằng (25 tuổi, Phú Thọ) đang làm chủ tiệm spa, thẩm mỹ tại Hà Nội, kể lại câu chuyện xảy ra cách đây 7 năm. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, nhận thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình nhiều khó khăn, năng lực bản thân không đủ để theo đại học, Hằng muốn học nghề làm đẹp. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn ép cô vào “con đường duy nhất”.

“Vào đại học, dù trường to hay nhỏ, cũng có cơ hội nhiều hơn học nghề. Con gái cố có tấm bằng, mang danh học thức dễ lấy được chồng tốt. Sau này, công việc ổn định là cuộc đời toại nguyện”, Hằng kể lại lời mẹ dặn.

Bốn năm học ngành Quản trị Nhân lực, tốt nghiệp ra trường, Hằng không xin được việc. Cô lại quay trở lại đam mê của mình là làm đẹp, đi làm thợ phụ rồi mở cửa hàng, hiện thành chủ tiệm spa, thẩm mỹ.

Ép con vào đại học vì tư duy ổn định

Tư duy có bằng đại học để ổn định, con gái kiếm được chồng tốt, con trai đi làm có lương chăm sóc gia đình, phụng dưỡng bố mẹ, là suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, Phương Loan (24 tuổi, tư vấn Du lịch) cho hay thời đại này khó có công việc nào gọi là ổn định, khi sự cạnh tranh, đào thải rất lớn.

chon nghe nghiep tuong lai anh 1
Nhiều học sinh bị ép vào đại học bằng mọi giá. Ảnh minh họa: T.T. 

Phương Loan kể, tốt nghiệp THPT, cô vẫn không định hình được ước mơ, sở trường của mình là gì. Vì vậy, nữ sinh thi đại học, đăng ký ngành Tài chính Ngân hàng, theo số đông của bạn bè cùng thời. Học xong, với tính cách thích bay nhảy, Loan lại làm nghề về du lịch.

Từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Việt Hoàng ước mơ làm người mẫu ảnh, mở tiệm studio để thỏa mãn đam mê, nhưng bố mẹ lại ép theo học ngành Dược.

Hoàng sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều làm nghề bác sĩ, ai cũng vào đại học rồi trở thành tiến sĩ, phó giáo sư. Vì vậy, phụ huynh muốn con trai theo nghề của bố mẹ.

“Mẹ mình nói nghề mẫu ảnh không bền, rồi mình cũng già đi và xấu xí. Con phải vào đại học, có công ăn việc làm ổn định và đừng mơ mộng nữa. Ngày ấy, mình muốn nghề gì ngoài Y – Dược mẹ cũng nói sợ con khổ”, Hoàng chia sẻ.

Áp lực ở trường Dược khiến Hoàng không trụ nổi, phải bỏ học từ năm thứ hai. Từ đó, chàng trai nhiều lần tự hỏi chọn nghề nghiệp yêu thích hay ổn định. Cuối cùng, cậu cho rằng chọn nghề theo đam mê mới cần thiết và bền vững.

chon nghe nghiep tuong lai anh 2
Học viên học nghề làm bánh. Ảnh: Hướng nghiệp Á Âu. 

Năng lực phải được coi trọng hơn bằng cấp

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM – cho hay điều khó khăn nhất trong việc tiếp cận dạy và học nghề là định hướng tâm lý và nhận thức của xã hội.

Là giáo viên phổ thông, cô Huyền Thảo gặp nhiều trường hợp học sinh thích học nghề sau lớp 12, tuy nhiên gia đình ép buộc phải thi đại học. Điều này đi ngược xu thế phát triển con người theo năng lực cá nhân.

Theo cô Huyền Thảo, nhiều gia đình vẫn còn suy nghĩ con phải vào đại học bằng mọi giá. Xuất phát từ tâm lý của xã hội và triết lý học làm quan của giáo dục thời phong kiến, nhiều người chưa bỏ được tư tưởng bằng cấp.

“Phụ huynh nên lắng nghe con thích gì, đam mê gì và tôn trọng sự lựa chọn của con. Học nghề hay đại học cũng là hướng tới nghề nghiệp tương lai. Học nghề chú trọng thực tiễn và thực hành, còn đại học lại vừa lý thuyết lẫn thực hành”, cô Thảo nói.

chon nghe nghiep tuong lai anh 3
Cô Huyền Thảo – giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: NVCC. 

Hiện tại, học phí đại học cũng là gánh nặng cho nhiều gia đình có thu nhập thấp. Vì vậy, phụ huynh không nên quá cố gắng để trang trải cho con vào đại học bằng mọi giá. Học nghề có thể rút ngắn thời gian, học phí không quá cao và thị trường lao động luôn cần người có tay nghề cao. Thậm chí, một số doanh nghiệp chấp nhận đào tạo lại.

Cô Huyền Thảo cho hay nhiều học sinh THPT thích nghề pha chế đồ uống ở nhà hàng, sửa xe… Một số em đã vào đại học rồi lại bỏ.

Ông Bùi Phương Việt Anh – chuyên gia nghiên cứu về Quản trị – cho rằng để học sinh lựa chọn học nghề cần cho người dân thấy được vai trò của trí thức là năng lực thật sự chứ không phải bằng cấp.

Điều cần thay đổi là nhận thức từ lãnh đạo, nhà quản lý chuyên môn, việc đào tạo cần theo thực tế xã hội chứ không phải theo chương trình học đang có. Chỉ có như vậy, các trường nghề mới không phải giải quyết các bài toán tuyển sinh.

Huỳnh Anh

Nguồn: https://zingnews.vn/nhieu-ban-tre-muon-hoc-nghe-nhung-bi-cha-me-ep-vao-dai-hoc-post1001327.html