Giới trẻ lao vào và quá lệ thuộc facebook, tiktok nên mất dần khả năng tự chủ

Baoquocte.vn. Chuyên gia giáo dục, TS. Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam cho rằng, các nền tảng xã hội tạo ra một ngôi trường lớn, ở đó, giới trẻ thỏa thích học cái họ cần nhưng cũng có những mặt trái…

Chuyên gia, TS. Bùi Phương Việt Anh
TS. Bùi Phương Việt Anh cho rằng, giới trẻ mất dần khả năng tự chủ vì phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng xã hội như facebook, tiktok…

Nhiều người cho rằng, năng lực học tập chỉ là một phần nhỏ để có những năng lực trong cuộc sống. Cá nhân ông nghĩ sao?

Theo tôi, quan điểm này chưa đầy đủ. Trước tiên, cần phải nhìn nhận lại, năng lực học tập ở đây cần được hiểu theo phạm vi rộng hay hẹp? Tức là học tập tự thân hay là học tập trong nhà trường?

Bởi nếu học tập trong nhà trường cũng bộc lộ nhiều điều hạn chế. Nói cách khác, việc học chỉ ở nhà trường và thầy cô là không đủ.

Trong khi đó, học tập và rèn luyện tự thân để có được năng lực tương thích với cuộc sống, công việc từ ngoài đời và trên các nền tảng khác.

Điều này rất quan trọng trong hình thành năng lực của cá nhân cùng những kiến thức trong nhà trường, góp phần tạo ra năng lực sống tuyệt vời của mỗi người. Giáo dục nhà trường rất quan trọng nếu hướng tới việc hình thành nên các kỹ năng học tập, tự học tập và học tập suốt đời để làm tiền đề cho sự học tự thân cho người học.

Thời nay, người trẻ không thể ỷ vào vai trò dạy kiến thức của nhà trường. Và giáo dục không nên “đánh đồng” học sinh trong một cái khuôn. Vậy giáo dục hiện nay nên thay đổi thế nào, theo ông?

Theo tôi, giáo dục trong nhà trường luôn có độ “trễ” về kiến thức và thực tế. Chính vì vậy, việc người học chỉ học tập ở nhà trường là không đủ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới phẳng và mở như hiện nay. Tốc độ phát triển và thay đổi của thế giới quá nhanh, đòi hỏi cần có năng lực tốt hơn cho việc thích ứng với thay đổi.

Đối với giới trẻ, điều này lại càng đúng hơn vì mục tiêu của giới trẻ đã rất khác xa với mục tiêu của các thế hệ đi trước. Bởi vậy, giáo dục thay vì áp đặt kiến thức cần phải hướng tới việc dẫn dắt và tạo lập được môi trường để giới trẻ sáng tạo và hình thành năng lực tự học.

Đồng thời, giới trẻ cũng cần tự thích ứng để trở thành người kiểm soát và lựa chọn thông minh, hiệu quả trong bối cảnh khủng hoảng thông tin và giáo dục toàn cầu. Giáo dục cần đi vào thực chất hơn là hình thức mang tính khẩu hiệu như hiện nay.

Đứng trước các thách thức thời đại, giáo dục cần thể hiện vai trò dẫn dắt và tạo ra được xu hướng học tập thay vì chạy theo xã hội hóa đơn thuần vì “lợi bất cập hại”. Tức là, mặt trái của xã hội hóa tác động vào ý thức và hệ thống giáo dục cả nhà trường, thầy cô và học sinh.

Việc đánh giá học sinh cần dựa vào mục tiêu đào tạo thực chất của yêu cầu thực tế. Từ đó, giáo dục cần tạo ra năng lực tự học, học tập suốt đời cho người học chứ không chỉ là đánh giá năng lực người học qua một số tiêu chí văn bằng, hay chương trình đào tạo vốn đã lỗi thời so với tốc độ thay đổi của thế giới.

Giáo dục cần hướng tới cung cấp dịch vụ để người học lựa chọn cái họ cần học cho mục tiêu của mỗi cá nhân trên nền tảng sư phạm. Qua đó, trang bị cho người học khả năng thích ứng cũng như lấy thực tế đó làm thước đo chất lượng đào tạo.

Thêm vào đấy, giáo dục cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan, bộ ngành trong hoạch định nền gáo dục tự chủ, liên thông và mở. Từ đó cung cấp dịch vụ giáo dục thuận lợi nhất cho người học, cần gì học nấy cho mục tiêu phát triển.

Những thế mạnh và điểm yếu của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z theo ông là gì?

Chúng ta đang sống trong một thế giới bùng nổ thông tin và phẳng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội cho phát triển. Một đất nước mà giới trẻ lười học thì ắt sẽ bị tụt lùi.

Giới trẻ ngày nay vẫn được xem là chịu khó học hành và có chí tiến thủ. Từ nông thôn tới thành thị, đâu đâu phong trào học tập cũng hừng hực khí thế, hầu hết các gia đình đều đầu tư cho giáo dục để phát triển tương lai con trẻ.

Giới trẻ hiện nay có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học và thông tin khổng lồ của thế giới sâu rộng, được cập nhật mà thời gian được tính bằng đơn vị phút.

Bên cạnh đó, giới trẻ được sống trong điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, kinh tế gia đình và thu nhập của người dân ngày một nâng cao, đời sống bớt khó khăn nên có điều kiện sống tốt hơn các thế hệ trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì giới trẻ đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn như việc tràn ngập thông tin khiến giới trẻ khó lựa chọn được cho mình thông tin hiệu quả để tránh rủi ro.

Giới trẻ đã quá lao vào và lệ thuộc quá nhiều vào các nền tảng xã hội như facebook, twitter, tiktok… khiến họ mất dần đi khả năng tự chủ và khai thác hiệu quả các thông tin phục vụ cho cuộc sống, công việc sau này.

Trong thế giới thay đổi chóng mặt, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đã không còn đủ kiên nhẫn, năng lực thích ứng của họ cũng chưa theo kịp, bởi vậy, họ sống quá thực tế.

'Giới trẻ lao vào và quá lệ thuộc vào facebook, tictock nên mất dần khả năng tự chủ'
Thế hệ Gen Z đang chịu tác động lớn của các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh: Internet)

Như ông vừa đề cập, thông tin của thời đại Gen Z là vô cùng phong phú và nhiễu loạn với các nền tảng như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube… Điều đó có tác động thế nào tới Gen Z?

Khẳng định là những tác động của các nền tảng xã hội đến với con người nói chung rất to lớn, trong đó các thế hệ Gen Z cũng chịu chung số phận.

Những tác động tích cực rất dễ nhận ra như việc mọi người và giới trẻ có được cơ hội kết bạn rộng khắp, giao lưu học hỏi ở phạm vi toàn cầu. Các nền tảng xã hội cũng tạo ra một ngôi trường lớn, mà ở đó giới trẻ thỏa thích học cái họ cần thông qua kho tri thức nhân loại rộng lớn và miễn phí.

Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng từ đây mà ra, đó là việc giới trẻ chưa đủ khả năng để nhận ra những tác dụng phụ mà các thông tin tràn lan trên mạng đem lại. Họ học một cách bị động và cả chủ động mà không có bộ lọc tốt nên mới có nhiều bất cập, nhiều tình huống đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua.

Giới trẻ manh động hơn, ảo tưởng hơn và thiếu lý tưởng hơn do bị “tiêm nhiễm” các thông tin không được kiểm duyệt trên mạng. Những đứa trẻ ngày nay thiếu đi tính kiên nhẫn và sự chăm chỉ do chịu tác động của các trào lưu trên mạng xã hội.

Giới trẻ hiện nay còn bị cô độc trong cuộc chiến sinh tồn vì chính các bậc cha mẹ hay thầy cô, thậm chí các chuyên gia cũng đang vất vả để thích ứng. Giới trẻ được xem là thiếu sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả từ người lớn để có thể tham khảo cho các quyết định của bản thân.

Có thể khẳng định lại, việc thế giới ra đời các nền tảng số, mạng xã hội đã rất tích cực đối với giới trẻ trong phát triển. Tuy nhiên, nó cũng đang gây ra thách thức hết sức to lớn đối với sự thích ứng của họ trước kho thông tin khổng lồ nhưng chưa được kiểm chứng kia.

Qua quá trình tiếp xúc, làm việc cùng các bạn trẻ, ông nhận thấy, người trẻ bây giờ thiếu năng lực gì?

Tôi cho rằng, giới trẻ hiện nay có rất nhiều điểm mạnh nhưng họ luôn thiếu sự kiểm soát bản thân tốt. Đồng thời, họ thu thập thông tin nhanh nhưng khả năng xử lý thông tin chưa tốt, dẫn đến hiệu quả sống chưa cao.

Bên cạnh đó, họ thiếu đi mục tiêu lý tưởng và giá trị sống đích thực. Thay vì chạy theo vật chất cũng cần phải có các giá trị nhân văn cho gia đình, xã hội… Điều này giới trẻ đang dần thiếu đi sự nhận thức đúng để có hành động đúng, đủ.

Người trẻ cần làm gì để tránh bị tụt hậu, để không bị bỏ lại phía sau, theo ông?

Để tránh bị tụt hậu, giới trẻ cần phải tập trung một số vấn đề như: nâng cao tính tự giác của bản thân, tự rèn luyện để có đủ năng lực ra quyết định nhanh chóng, chính xác.

Cần biết tận dụng thế mạnh của thời đại để có được khả năng tương thích với thời đại. Sống có mục tiêu, lý tưởng, cần kiên trì trước thất bại cũng như thành công để có được sự ổn định.

Cuối cùng, hãy nhớ, dù cho phát triển có mang màu sắc gì đi nữa thì việc cầm bút hay cầm cuốc, giới trẻ cũng cần tỉnh táo để lựa chọn cho phù hợp để vừa đạt mục tiêu đề ra, vừa đảm bảo dân trí cho phát triển chung. Tránh chạy theo trào lưu mà ảnh hưởng lâu dài!

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh, Báo Thế Giới & Việt Nam