Ngày 10/11/2022, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Demo Day thuộc Chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu GMEP 2022”, do VSV Capital, Viện Phát triển Khởi nghiệp & Doanh nhân Hàn Quốc, Lotte Ventures phối hợp tổ chức.
Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu GMEP (Global Market Expansion Program), trước đây được biết đến với tên gọi GAPS – Global Acceleration Program for Startups, từ 2018 tới 2021, là chương trình do VSV Capital kết hợp cùng Chính phủ Hàn Quốc nhằm hỗ trợ các startup Hàn Quốc khám phá thị trường Việt Nam, kết nối với các cố vấn trong nước và những người có tầm ảnh hưởng trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Với kinh nghiệm tổ chức các chương trình tăng tốc khởi nghiệp nói chung từ 2014 cho tới nay, VSV Capital với cương vị một trong những Quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu và lâu đời nhất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng chương trình khi có hơn 50 startup Hàn Quốc đã được tăng tốc thành công thông qua GMEP.
Trở lại vào năm 2022, sự kiện này đã đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp VSV Capital tổ chức GMEP và có tổng cộng 14 công ty đã được lựa chọn để tham gia chương trình năm nay. Tại Việt Nam, các startup được hỗ trợ không gian làm việc chung, tham gia những buổi cố vấn 1:1, trải nghiệm thực tế doanh nghiệp tại Việt Nam và đặc biệt là nhận được sự đồng hành từ mạng lưới chuyên gia và đối tác rộng lớn của VSV.
Demo Day là sự kiện kết thúc thuộc khuôn khổ chương trình GMEP 2022, trong đó, các startup có cơ hội được giới thiệu về ý tưởng, mô hình doanh nghiệp và kết quả tăng trưởng của mình trong thời gian vừa qua trước những người tham dự. Tại sự kiện, 14 startup đã giới thiệu các lĩnh vực dự án đang theo đuổi: Giải pháp chẩn đoán khả năng đọc hiểu bằng công nghệ AI theo dõi mắt và cải thiện nó bằng một chương trình đào tạo riêng tùy chỉnh; phần mềm AI tự động hóa cho trang trại thông minh để tối ưu trồng trọt và sản xuất hàng loạt các loại cây trồng có giá trị và chất lượng cao; áo khoác bơm hơi HUGgy giúp ổn định tâm lý cho người khuyết tật phát triển, trẻ sơ sinh và người già bằng cách ôm lấy cơ thể… Cụ thể, giải pháp SaaS tài chính cho chuỗi cung ứng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Á, giúp các công ty có thể tối ưu hóa vốn lưu động của họ; Mạng xã hội học tập dựa trên giọng nói, nơi mọi người trên khắp thế giới cùng nhau trò chuyện, lắng nghe và học hỏi trực tiếp trong thời gian thực… “MAKE“, một ứng dụng lập trình với sứ mệnh giúp các trường học giới thiệu kiến thức lập trình vật lý để vượt qua rào cản kỹ thuật số; Reziena là công ty nghiên cứu và phát triển các giải pháp giúp người dùng có thể tiếp cận liệu pháp chăm sóc da chuyên nghiệp tại nhà. Máy bay không người lái công nghiệp và hệ thống điều khiển tích hợp lưu động có thể dùng để quản lý an toàn khi xảy ra thảm họa/tai nạn… Theo đánh giá, đây là các ý tưởng nổi bật, đầy tính khả thi phù hợp với thực tiễn.
Ngoài 14 startup thuộc chương trình, sự kiện đã quy tụ các nhà đầu tư, các lãnh đạo doanh nghiệp và các đại diện từ Chính phủ đến từ Việt Nam, Hàn Quốc và Singapo.
nguồn: tổng hợp