Dịch Covid-19 và cơ hội thay đổi tư duy giáo dục

Baoquocte.vn. TGVN. Trao đổi với TG&VN về thực trạng nền giáo dục năm nay, TS. Bùi Phương Việt Anh khẳng định “học sinh sẽ không kém đi về mặt chất lượng, bởi năm nay học được gì là kiến thức thật của các em”.
dich covid 19 va co hoi thay doi tu duy giao duc
TS. Bùi Phương Việt Anh.

Dịch bệnh Covid-19 cùng với những thay đổi trong phương pháp dạy học hiện nay liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng giáo dục tại Việt Nam, thưa ông?

Theo tôi, không riêng gì Việt Nam mà toàn thế giới, sự ảnh hưởng này rất sâu và trực tiếp đến toàn các cấp học ở các quốc gia. Với Việt Nam, cơ sở hạ tầng và đặc thù phương pháp sư phạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục và hình thức hoạt động của các chương trình đào tạo ở hiện nay. Ở đại học, phương pháp dạy của chúng ta chủ yếu là thầy cô giảng, sinh viên nghe và chép nên tính chủ động kém. Ở các cấp phổ thông, sự ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều vì việc học còn bị động hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể vượt qua thách thức này thì sẽ cải tiến rất nhiều trong ý thức học tập của học sinh, sinh viên. Bởi đây sẽ là kiến thức thực sự của các em, không phải hoàn toàn do học “vẹt” nữa.

Vậy còn chất lượng của việc giảm tải các chương trình học?

Trong nhiều hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi từng lên tiếng về việc cần phải thay đổi cách thức dạy học cũng như xây dựng chương trình hướng tới năng lực người học thay vì đào tạo kiến thức thuần túy. Và khi xảy ra sự cố do dịch Covid-19, việc phải điều chỉnh giảm tải này là tất yếu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là phải điều chỉnh như thế nào? Gần đây nhất tôi trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thay đổi có lộ trình về mặt môn học và nội dung kiến thức với chiến lược nhằm giúp học sinh trau dồi khả năng tự học, vận động tự thân để có thể đáp ứng được tốt nghiệp và làm việc được.

Hiện nay, nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn nặng về việc học để lấy bằng cấp. Đặc biệt, khi chúng ta xây dựng chương trình hướng đến năng lực người học, khả năng lao động thì phải hướng đến một phương thức đào tạo theo hai hướng: nhóm kiến thức giảng dạy trực tiếp và nhóm kiến thức có thể giảng dạy từ xa, online.

Thực tế, các phương pháp giảng dạy trực tuyến hiện nay còn bất cập ở Việt Nam như kỹ thuật đường truyền, vi phạm bảo mật và chưa đến với các vùng sâu vùng xa?

Phải khẳng định năm nay là một năm học đặc biệt nhất ở Việt Nam và cả thế giới. Cho dù tỷ lệ người dân tiếp cận Internet rất cao ở thành phố nhưng vùng nông thôn và miền núi còn rất thấp.

Bởi vậy, sự chênh lệch trong việc tổ chức các lớp học trực tuyến là rất rõ rệt và chúng ta buộc phải chấp nhận thực trạng này.

Chỉ có hai phương pháp để khắc phục: một là chúng ta phải gia tăng hỗ trợ các nền tảng kỹ thuật số và hệ thống truyền dẫn của VNPT và Viettel để giúp học sinh có thể nghe bằng sóng radio và truyền tải qua Internet, hai là các tỉnh phải tổ chức các tổ biên soạn chương trình học thành tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu nhất phục vụ cho các em tự học ở nhà.

dich covid 19 va co hoi thay doi tu duy giao duc

Nhiều người cho rằng dịch bệnh lại là một cơ hội để Việt Nam thử thách với dạy học trực tuyến và thúc đẩy tư duy tự học của học sinh. Còn quan niệm của ông?

Không phải chờ đến khi xảy ra dịch Covid-19, Việt Nam đã có hình thức đào tạo từ xa từ ngay những năm 1990, nên điều quan trọng nằm trong chính tư duy của người làm đào tạo.

Hơn nữa, với chính sách đào tạo của chúng ta còn quá coi trọng bằng cấp, xã hội cũng coi trọng bằng cấp và cho rằng nhất định phải đào tạo trực tiếp mới được, thì việc hệ thống đào tạo trực tuyến nở rộ vừa qua vẫn là tình thế “cực chẳng đã”.

Thế nhưng, tôi đảm bảo khi sử dụng và học rồi nhiều người lại nhận ra nó rất hữu dụng, cũng đơn giản và nhiều lợi ích.

Tôi tin qua thời gian này, Chính phủ và cả người dân sẽ phải nhìn nhận lại những lợi ích ấy và công nhận hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, cũng như có thể công nhận sự liên thông về văn bằng, hệ thống các cấp đào tạo trong giáo dục.

Nếu coi đây là cơ hội kiểm chứng tính tự học của học sinh, nhiều người hỏi tôi “Năm nay chất lượng học sinh liệu có kém không?”, tôi trả lời ngay rằng “Không, học sinh sẽ không kém đi về mặt chất lượng, bởi năm nay học được gì là kiến thức thật của các em”.

Với chuyên môn đào tạo ở môi trường quốc tế và kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường học, ông có lời khuyên gì cho học sinh và phụ huynh vào thời điểm khó khăn này?

Theo tôi, các bậc phụ huynh cần động viên các con là việc thầy cô dạy ở trường và việc bản thân phải tự học là quan trọng ngang nhau. Nếu không có thầy cô thì vẫn phải tự giác học tập phần kiến thức mình đã được dạy trên lớp và ôn tập lại cái cũ, tìm tài liệu để nâng cao kiến thức của mình.

Trước đây, phần lớn chúng tôi phải tự học, đặc biệt môi trường giáo dục quốc tế luôn khơi dậy sự chủ động của học sinh.

Học sinh không nên lo lắng tới đây thi có bị hổng kiến thức hay không, bởi Chính phủ luôn có chủ trương giảm tải để phù hợp với bất ổn vừa qua. Học sinh nên an tâm đối với sự điều chỉnh chương trình học của Chính phủ.

Hơn nữa, giai đoạn khó khăn này cũng là lúc chúng ta phải xem lại phương pháp học tập của mình từ trước đến nay, để có sơ đồ kiến thức cần học, tự giác đặt ra mục tiêu một cách chủ động và nghiêm túc.

Trong thời điểm hiện nay, các em hãy tận dụng tất cả mọi nguồn lực có thể là truyền hình, hệ thống Internet, các chương trình đào tạo và nguồn tài liệu sách giáo khoa.

Ngoài ra, phụ huynh và các em hãy trao đổi với các giáo viên và bạn bè thường xuyên hơn để có thể nhận sự trợ giúp kịp thời.

Bùi Phương Việt Anh hiện là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam, cha đẻ của Học thuyết Kinh tế Tổng thể và Chuẩn Nhân lực Quốc tế (EAS IHHRM G23.0). Tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Victoria (Australia), nghiên cứu Tiến sĩ Quản trị chiến lược tại Đại học Horizons (Pháp), anh được biết đến như một nhà quản trị thực tế, bộ óc quản trị cách mạng hàng đầu. Là chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo cấp cao quốc tế, anh dẫn dắt giới trẻ Việt đến với giáo dục tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam.
TRỌNG VŨ
Nguồn: https://baoquocte.vn/dich-covid-19-va-co-hoi-thay-doi-tu-duy-giao-duc-114628.htm