Con đường nào cho các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề?

(GDVN) – Ngày 22/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề”.

Tham dự tọa đàm có bà Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13; Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội); Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội; Ông Đồng Văn Bình – đại diện Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Và ông Bùi Phương Việt Anh – Chủ tịch, Tổng giám đốc EAS Việt Nam.

Ngày 22/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề”. (Ảnh: Thùy Linh)

Phát biểu mở đầu hội thảo, Nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh lần thứ 12, khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngày 11/7/2019, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới tình trạng lãng phí lớn tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đại biểu Kim Thị Hạnh cho biết: Hiện tại mỗi năm Nhà nước phải chi nguồn kinh phí trên 2 tỷ đồng cho một trung tâm (hiện toàn tỉnh có 9 trung tâm) để duy trì hoạt động, trong đó chi trả lương cho 149 giáo viên.

Tuy nhiên, bình quân mỗi giáo viên chỉ dạy có 10 học sinh/năm, có trung tâm cả năm không tuyển được một học sinh nào, dẫn đến phòng ốc, trang thiết bị không có người sử dụng, trở nên cũ kỹ, lạc hậu.

Một số thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng đến nay vẫn bỏ kho, chưa sử dụng, nhiều nơi lại tiếp tục mua sắm thêm trang bị mới như hệ thống máy tính dạy ngoại ngữ, dạy vi tính…

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Bình Phước, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Hà Nam, Thanh Hóa…, trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện xu hướng phổ thông hóa một số trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)

Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xóa nội dung hệ đào tạo chính quy (với trung học phổ thông) hoặc bổ túc (đối với học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên) trên bằng tốt nghiệp bằng thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015, nhiều học sinh tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phụ cận đã bỏ các trường trung học phổ thông nhảy sang học hệ giáo dục thường xuyên để có thời gian tập trung luyện thi đại học.

Hệ giáo dục thường xuyên chỉ phải học 7 môn so với 12 môn của hệ phổ thông chính quy, thi tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp như nhau.

Hiện cả nước có 695 trung tâm giáo dục thường xuyên, bao gồm: 74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện; 11.019 trung tâm học tập cộng đồng (đạt 98,7%); 2.854 trung tâm ngoại ngữ – tin học…

Đại biểu tham dự tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh)

Nhà báo Đào Ngọc Tước nhấn mạnh, nếu để tình trạng này kéo dài không những lãng phí rất lớn nguồn lực quốc gia dành cho giáo dục, phình to bộ máy biên chế, mà còn đang phá hỏng phân luồng.

Luật Giáo dục sửa đổi 2019 (Luật số 43/2019/QH14) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.

Vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề” để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà giáo dục phân tích khó khăn, thực trạng lãng phí và các giải pháp cơ chế chính sách góp ý với Chính phủ để vừa đảm bảo được nhu cầu học tập suốt đời của người dân, vừa không lãng phí nguồn lực quốc gia, tinh giản bộ máy.

Thùy Linh
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/con-duong-nao-cho-cac-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-va-day-nghe-post204682.gd