Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp: Cần sự phối hợp từ hai

VOV.VN – Doanh nghiệp chưa thấy lợi ích, cơ sở giáo dục thiếu thực tế khiến việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách khá xa.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội), hiện nay cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm tuyển sinh được khoảng 2,2 triệu người học. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế.

Cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm tuyển sinh được khoảng 2,2 triệu người học.

Theo các chuyên gia, gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đào tạo và kết nối với doanh nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề hiện hiện nay rất hạn chế.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều quy định về vai trò của doanh ghiệp với công tác đào tạo, nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp mới chỉ hợp tác trên tinh thần thiện nguyện chứ chưa thấy được sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm tương xứng.

Bà Hoàng Thị Minh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh cho biết, nhà trường rất muốn hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực, hoặc tiếp nhận sinh viên thực tập… nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia.

“Chúng tôi cũng thấy một khó khăn là làm sao để mà doanh nghiệp thực sự có trách nhiệm với nhà trường trong vấn đề đào tạo. Bởi vì một thực tế là dù đào tạo có nỗ lực bao nhiêu thì các thiết bị, các công nghệ mới, mặc dù về lý thuyết là đào tạo phải đi trước xã hội nhưng trong thực tế các công nghệ các thiết bị của nhà trường không bao giờ theo kịp được các doanh nghiệp. Vì vậy, muốn đào tạo gắn với việc làm và không có đào tạo lại, giảm bớt đào tạo lại thì các doanh nghiệp phải thực sự tạo điều kiện cho các nhà trường trong vấn đề đào tạo”, bà Phương cho hay.

Thực tế này khiến tình trạng nhiều người tốt nghiệp trường nghề không tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại không tuyển dụng được lao động có chất lượng, hoặc phải đào tạo lại lao động liên tục diễn ra từ năm này qua năm khác, gây tốn kém chi phí cho cả nhà nước, người học và doanh nghiệp.

Tuy vậy, từ phía các doanh nghiệp cũng cho rằng, khi tham gia dạy nghề, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí, nhưng không rõ chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với doanh nghiệp ra sao.

Ông Trần Bá Nguyên, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế: “Các mô hình đào tạo liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường mặc dù có, nhưng doanh nghiệp lại không mặn mòi vì họ không có kinh phí để làm. Thứ 2 là mục tiêu của doanh nghiệp là sản xuất, kinh doanh nên tham gia vào quá trình đào tạo, người ta cũng cảm thấy là không có đủ sự hỗ trợ. Nên chăng chính phủ có nghiên cứu, hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo, như vậy doanh nghiệp mới có động lực để tham gia”.

Ông Bùi Phương Việt Anh, chuyên gia độc lập nghiên cứu về quản trị thì cho rằng, để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề, trước tiên Nhà nước, cơ sở đào tạo nghề cần có cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp thấy được lợi ích thật sự khi tham gia vào quá trình đào tạo.

“Chính phủ cần phải tháo gỡ một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đó là cơ chế làm sao thu hút các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa để đón nhận lực lượng lao động do chính các cơ sở đào tạo kể cả chính quy, đại học cho đến nghề nghiệp”, ông Việt Anh phân tích.

“Họ chấp nhận rủi ro, để chia sẻ rủi ro này thì chúng ta có cơ chế gì cho họ. Nếu chúng ta chỉ đơn thuần là kỹ thuật, đó là thao tác quản trị về kỹ thuật thôi. Chúng ta chưa cho doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích thật sự nếu họ sử dụng nguồn lao động của chúng ta đào tạo ra”, ông Việt Anh cho biết thêm.

Một số chuyên gia cũng nêu quan điểm, cần xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp 3 bên giữa Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho người lao động. Nhà nước phải giữ vai trò điều phối bằng các chính sách, trong đó, phân định rõ nội dung thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo.

Trong khi chờ các chính sách của nhà nước, thì điều quan trọng là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nên ngồi chờ doanh nghiệp đến với mình, mà cần chủ động tìm đến doanh nghiệp. Các trường nên đưa ra chương trình, cách đào tạo của mình là thực tế, chất lượng để thuyết phục, mời gọi doanh nghiệp tham gia.

Ở phía doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn, trao đổi rõ với các hiệp hội ngành nghề, cơ quan chức năng và các trường về nhu cầu nhân lực để các trường cung cấp kịp thời./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/dao-tao-nghe-gan-voi-nhu-cau-cua-doanh-nghiep-can-su-phoi-hop-tu-hai-971742.vov